Thói quen xấu khi chơi thể thao

Sáu thói quen xấu thường gặp ở nhiều người tập thể dục thể thao. Chúng là tác nhân khiến các buổi tập không đạt kết quả gì, thậm chí gây hại. Để tránh những chấn thương, hoặc không mất công vô ích, các bạn nên chú ý những điều sau để việc tập luyện của mình đem lại hiệu quả.

1. Tập sai động tác: Rất nhiều người đến phòng tập hoặc tự tập tại nhà mà không chịu tìm hiểu kỹ về những bài tập mình sắp hoặc đang thực hiện. Có một thực tế là nhiều người bắt đầu tập luyện chỉ vì thích hoặc ngưỡng mộ một ai đó, mà không chịu khó tìm hiểu xem họ tập thế nào.

Đó chính là lý do nhiều người đến phòng tập mà một mình một kiểu, không giống ai và cũng chẳng ai muốn giống họ. Tập sai động tác ngay từ đầu có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường: chấn thương, tác động sai vùng mong muốn và quan trọng là rất… xấu.

Hãy chịu khó tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định tập bài gì đó. Tham khảo ý kiến các huấn luyện viên, bạn tập có kinh nghiệm, hay chí ít là quan sát thật kỹ những người đang tập tại phòng gym.

2. Tập luyện khi bụng đói meo: Các chuyên gia khuyên rằng bạn nên nạp năng lượng nhẹ nhàng trước các buổi tập. Thông thường, ăn nhẹ khoảng 2 giờ trước buổi tập là lý tưởng nhất. Tuy nhiên, tập thể dục vào buổi sáng khi bụng rỗng cũng chưa hẳn có hại. Nhiều người vẫn chạy 5-10km buổi sáng, sau khi ngủ dậy, mà vẫn hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, không nên lạm dụng điều này nếu bạn không muốn mắc các bệnh về tiêu hóa. Trước khi chạy hoặc đến phòng thể hình, nên ăn nhẹ một lát bánh mì, một chút xôi, một quả chuối và uống một cốc nước to…

Việc tập luyện khi đói có thể dẫn đến chóng mặt, buồn nôn, thậm chí ngất xỉu…

3. Quá tập trung các bài tập giảm cân: Nhiều người đến phòng tập với mỗi một suy nghĩ là “tôi cần phải giảm cân, tôi cần phải có thân hình đẹp” và họ lao vào các bài tập vận động quá nhiều, quá mạnh. Các nhà khoa học khuyên rằng mỗi buổi, bạn chỉ nên tập 15 phút các bài tập “cardio”, còn đâu hãy chú trọng đến các bài tập bổ trợ khác để hài hòa.

4. Bỏ bữa hoặc ăn sai thực phẩm: Rất nhiều người cho rằng bỏ qua hoặc hạn chế số bữa ăn trong ngày thì sẽ giảm cân nhanh hơn, có hiệu quả về tập luyện hơn. Tuy nhiên, điều này là sai lầm bởi bạn cần phải ăn mới có sức để tập luyện, và đặc biệt phải ăn đúng mới hiệu quả.

Hiện nay, đã có nhiều nơi cung cấp các gói thực phẩm dinh dưỡng sạch phù hợp với từng chế độ tập luyện. Nếu không muốn mất thời gian vào bếp nấu nướng, bạn hoàn toàn có thể nhờ các chuyên gia dinh dưỡng này tư vấn và sử dụng đồ ăn của họ.

5. Không ngủ đủ: Nhiều người vì quá nôn nóng trong việc phải đạt được mục tiêu tập luyện nên thường dành quá nhiều thời gian tại phòng tập. Không có thời gian nghỉ ngơi, đặc biệt là không có những giấc ngủ sâu… sẽ khiến bạn nhanh chóng bị rơi vào trạng thái kiệt quệ sức lực, thậm chí đổ bệnh. Như vậy, mọi công sức tập luyện đã đổ sông đổ bể.

6. Chế độ ăn kiêng thiếu protein: Protein là chất rất cần cho cơ thể, nhưng hiện nay bị nhiều người “ghẻ lạnh” vì cho rằng chúng là tác nhân gây ra việc tăng cân, béo phì… Nhiều người tìm đến chế độ ăn chay hoàn toàn, nói không với thịt, cá… những thực phẩm giàu protein. Điều này vô tình làm cơ thể phải thay đổi cơ chế hoạt động một cách đột ngột, dẫn đến những hệ lụy khó lường.

Khoa học đã chứng minh cơ thể đốt khoảng 30% lượng calories được tạo ra từ protein hấp thụ trong quá trình tiêu hóa. Vì vậy, hãy nạp năng lượng đầy đủ, hãy biến bữa ăn của bạn thành khoảng thời gian thư giãn, tận hưởng… sau những buổi tập mệt mỏi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *