Viêm gân gót chân

Viêm gân gót chân hay viêm gân Achilles là hiện tượng đau nhức ở gót chân xảy ra do gân Achilles nối các cơ bắp chân ở phía sau chân dưới với xương gót chân bị tổn thương do phải làm việc quá sức.Viêm gân gót chân thường xảy ra chủ yếu ở những người hoạt động thể chất liên tục với cường độ cao. Chẳng hạn như vận động viên điền kinh, bóng rổ hoặc quần vợt thường xuyên chạy nhảy thường có nguy cơ bị viêm gân gót chân cao. Ngoài ra, bệnh cũng có thể gặp ở những người chạy bộ đột ngột tăng cường độ và thời gian chạy.

Nguyên nhân gây bệnh viêm gân gót chân

Gân gót chân thường được sử dụng khi chúng ta tham gia vào các hoạt động chạy, nhảy hoặc đẩy ngón chân. Tuy nhiên, khi các hoạt động này diễn ra với tần suất và cường độ cao trong thời gian dài có thể khiến gân Achilles bị tổn thương và dẫn đến viêm.

Nguyên nhân gây viêm gân gót chân có thể là do người bệnh tập thể dục nhưng không khởi động đúng cách. Hoặc cũng có thể do thực hiện các hoạt động thể chất lặp đi lặp lại nhiều lần. Ngoài ra, viêm gân gót chân cũng có thể do:

  • Bệnh nhân tham gia một số bộ môn thể thao đòi hỏi phải dừng và thay đổi hướng đột ngột.
  • Thường xuyên mang giày cao gót trong thời gian dài.
  • Mang giày cũ hoặc giày kém chất lượng.
  • Xuất hiện gai xương ở phía sau gót chân

Triệu chứng bệnh viêm gân gót chân

Cơn đau liên quan đến viêm gân gót chân thường bắt đầu với triệu chứng đau nhẹ ở phía sau chân hoặc trên gót chân sau mỗi lần chạy hoặc hoạt động. Đau cũng có thể xuất hiện mỗi khi người bệnh leo cầu thang, chạy đường dài hoặc chạy nước rút. Ngoài ra, đau còn lan rộng đến các khu vực khác quanh mắt cá chân. Bên cạnh đó, đau cũng có thể kéo theo triệu chứng sưng tấy, phù nề ở gót chân.

Cách phòng tránh

Viêm gân gót chân có thể xảy ra bất cứ khi nào. Mặc dù không thể ngăn ngừa bệnh xuất hiện nhưng người bệnh có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng những lưu ý dưới đây:

  • Chú ý khi tập luyện thể thao: Trước khi tham gia các hoạt động thể thao, người bệnh cần khởi động làm nóng người. Trong quá trình tập luyện, bệnh nhân nên bắt đầu bài tập với cường độ nhẹ. Sau thời gian, khi cơ thể bắt đầu làm quen với động tác, người bệnh hãy tăng dần cường độ và thời lượng tập lên. Nếu tập luyện gây cảm giác đau, bệnh nhân nên dừng lại và dành nhiều thời gian nghỉ ngơi.
  • Chọn giày phù hợp: Người bệnh nên chú ý trong việc chọn giày thể thao. Tốt nhất, nên chọn những đôi giày vừa chân có miếng đệm lót chân, giúp giảm tác động căng thẳng lên gót chân. Đồng thời nên hạn chế mang giày cao gót vì đây chính là nguyên nhân phổ biến gây viêm gân gót chân.
  • Kéo căng cơ bắp: Bệnh nhân nên dành nhiều thời gian để kéo căng cơ bắp và gân chân vào mỗi buổi sáng trước khi tập thể dục. Cách làm này sẽ giúp tránh tái phát viêm gân gót chân. Bên cạnh đó, giúp tăng cường sức khỏe cho gân và cơ bắp, hạn chế tình trạng viêm.

Viêm gân gót chân tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh để lâu không điều trị có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đi lại. Vì vậy, khi thấy bản thân xuất hiện triệu chứng, người bệnh nên tiến hành thăm khám và điều trị.